Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 63 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 63 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Nhân kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
(23/11/1946 – 23/11/2009)

Là tổ chức xã hội được thành lập sớm nhất sau Cách mạng tháng Tám, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có vinh dự được song hành, phát triiển và lớn mạnh cùng đất nước trong suốt 6 thập kỷ chiến đấu anh hùng cũng như xây dựng quang vinh.
Cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 như một mốc son rực rỡ nhất của lịch sử Việt Nam trong suốt ba nghìn năm dựng nước và giữ nước gian khổ, quang vinh của dân tộc. Tuy nhiên khi ngọn Cờ đỏ Sao vàng bắt đầu hiên ngang phấp phới tung bay trên bầu trời tự do của đất nước thì cũng là lúc nhân dân Việt Nam phải bước vào một thời kỳ chiến đấu không khoan nhượng chống các thế lực đế quốc thực dân trong suốt 30 năm trường. Chưa đầy nửa năm sau ngày tuyên bố độc lập (2/9/1945), trong bộn bề trăm công nghìn việc giữa lúc vận mệnh quốc gia còn đang như ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cho phép một tổ chức xã hội từ thiện được thành lập với tên gọi Hội Hồng thập tự Việt Nam. Người đã đặt tên cho Hội và nhận làm Hội trưởng Danh dự. Từ ngày lịch sử 6 tháng 1 năm 1946 ấy, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức ra đời, bắt đầu các hoạt động của mình, tham gia cuộc đấu tranh của đất nước, đồng hành cùng nhân dân trên con đường hơn 6 thập kỷ vất vả mà quang vinh, phấn đấu cho Độc lập, Thống nhất, Tự do cũng như cho công cuộc xây dựng và kiến thiết, phát triển đất nước.
Nếu tại Đại hội đầu tiên cuối năm 1946, Ban Chấp hành (thời gian đó gọi là Ban Tri sự ) chỉ có 12 thành viên, với tổng số Hội viên không quá 1.000 người, thì đến Đại hội VIII, năm 2007, hơn 400 đại biểu thay mặt cho hơn 5 triệu Hội viên và 4 triệu thanh thiếu niên Chữ thập đỏ đã bầu ra một Ban Chấp hành nhiều thành phần rộng rãi với 117 Uỷ viên. Với hệ thống tổ chức 4 cấp, Hội có mặt tại tất cả các tỉnh thành, các quận huyện cũng như tại một số lớn xã phường. Với mục tiêu phát triển 10 triệu hội viên, Hội sẽ có sự hiện diện tại hầu hết mọi gia đình Việt nam.
Nếu cho đến tận năm 1957, hoạt động của Chữ Thập đỏ Việt nam còn chưa được quốc gia, chính phủ nào thừa nhận hoặc biết đến thì ngày nay Hội đã là một thành viên có đầy đủ tư cách của Phong trào Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế rộng lớn. Hội đã có vị thế xứng đáng trên thế giới và khu vực, có tiếng nói trọng lượng tại các diễn đàn quốc gia cũng như quốc tế.
Bắt đầu từ những việc nhỏ lẻ như mở lớp đào tạo cứu thương, quyên gạo cứu đói, thăm hỏi, trao trả tù binh… trong thời gian mới thành lập, ngày nay Hội đã có cả một chương trình và nội dung hoạt động xã hội, nhân đạo hết sức phong phú và đa dạng, rộng rãi. Từ kế hoạch cứu trợ, phòng chống thiên tai, xoá đói giảm nghèo, tặng nhà tình nghĩa, giúp đỡ trẻ mô côi, cưu mang người tàn tật, Tết cho người nghèo, trồng rừng ngập mặn cho đến xoá cầu khỉ, cơm cháo cho người bệnh gặp khó khăn, sữa cho trường học, vận động hiến máu, bảo trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam…trong nhiều năm qua, tại khắp các vùng miền trong cả nước, lá cờ và các hội viên Chữ thập đỏ bao giờ cũng sẵn sàng hiện diện đầu tiên tại những nơi cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Trong cả 2 cuộc chiến tranh cũng như 30 năm hoà bình, mặc dầu trải qua không ít khó khăn, Hội vẫn thường xuyên duy trì được sự hiện diện của mình, từng bước phát triển, xây dựng tổ chức, triển khai hoạt động.
Với những hoạt động đó, trong hơn 6 thập kỷ đồng hành cùng toàn dân anh hùng bảo vệ và xây dựng đất nước, cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ còn có niềm vinh dự là những người đang thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... Làm mọi việc có thể làm để giảm bớt đau thương” cho nhân dân. Đồng thời, bằng những hành động đó, cán bộ hội viên Chữ thập đỏ còn đang làm một việc có ý nghĩa lớn lao khác nữa, đó là gìn giữ một di sản tinh thần nhân văn trong sáng, bảo vệ một truyền thống cao cả của dân tộc đã được hình thành qua hàng ngàn năm chống thiên tai, địch họa, đó chính là lòng Nhân ái, nghĩa Đồng bào, tình Nhân đạo, lòng yêu thương cưu mang giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, tai ương.
* *
*
Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm nay diễn ra trong thời điểm toàn thể cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước đang tích cực phát huy những thành tích đã đạt được trong năm đầu tiên triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phát động trong cả nước, cùng tập trung hướng về những công trình mang tính lịch sử của Hội sẽ chính thức ra mắt vào dịp 23/11/2009, đó là: Khánh thành Nhà truyền thống di tích đình làng Thanh Ấm (Ứng Hòa, Hà Nội) – nơi ghi dấu sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam (nay là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam); ban hành cuốn Lịch sử Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với chặng đường hơn 60 năm đồng hành cùng đất nước; công bố mẫu biểu trưng mới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với ý nghĩa như một sự tôn vinh hình ảnh của Hội trên suốt hành trình nhân đạo của dân tộc. Những thành tích đó, những mục tiêu đó đã tạo đà cho sự phát triển đi lên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trên bước đường hội nhập với phong trào chung của toàn nhân loại và đặc biệt góp phần không nhỏ đối với sự nghiệp nhân đạo cao cả của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, trị giá hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo đạt 380 tỷ 785 triệu đồng. Hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm họa và triển khai tới 3 cấp Hội. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2009 của toàn Hội đạt tổng trị giá vận động 146,6 tỷ đồng, giúp đỡ 920.366 hộ gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam (trong đó: nguồn từ Trung ương Hội là 9,97 tỷ đồng, vận động tại các tỉnh, thành Hội 136,6 tỷ đồng).
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, các cấp Hội đã tập trung tổ chức các hoạt động phòng chống dịch sởi, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, dịch tiêu chảy cấp, đặc biệt là đại dịch cúm A (H1N1). Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính từ đầu năm đến nay cả nước thu được 345.076 đơn vị máu, đạt 56% chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 (610.000 đơn vị), tăng 127% so với cùng kỳ năm 2008. Đặc biệt, sau gần 4 tháng triển khai (từ ngày 8/5 đến hết 2/9/2009), Chiến dịch "Những giọt máu hồng" hè 2009 đã thu hút được 6.014 tình nguyện viên, thành lập được 181 Câu lạc bộ tình nguyện hiến máu nhân đạo, có tất cả 234.395 người tham gia hiến máu, thu được 143.430 đơn vị máu, có 27.106 người đăng kí hiến máu dự bị. Trị giá hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 94 tỷ 668 triệu đồng. Trị giá hoạt động Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 30 tỷ 530 triệu đồng.
Trong năm 2009, các thành viên Hội đồng Bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ đăng ký ủng hộ gần 12 tỷ đồng thông qua các dự án cụ thể hoặc các hoạt động hỗ trợ trực tiếp đối tượng tại cộng đồng.
Những tháng đầu năm 2009, quan hệ hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với các Hội quốc gia, Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế và các tổ chức quốc tế khác tiếp tục được củng cố và phát triển. Trung ương Hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, đó là: Hội nghị Ủy ban Quản lý thảm họa khu vực Đông Nam Á, kỷ niệm 150 năm ngày hình thành ý tưởng thành lập phong trào Chữ thập đỏ, 90 năm ngày thành lập Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc, 60 năm ban hành các Công ước Geneva, Hội nghị Chủ tịch, Tổng thư ký các Hội quốc gia khu vực Đông Nam Á, vận động nguồn lực từ Hiệp hội và sự tham gia của các đối tác quốc tế trong chiến dịch tuyên truyền phòng chống đại dịch cúm A (H1N1), phòng chống đại dịch ở người... Trong 6 tháng đầu năm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai 24 dự án nhân đạo với tổng trị giá đạt 44 tỷ 689 triệu đồng.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo“ sau hơn một năm triển khai thực hiện đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia và thu được kết quả nhiều mặt. Thông qua Cuộc vận động, các cấp Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân đã trợ giúp được 18.872 cơ sở nhân đạo và giúp đỡ 331.178 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (vượt 15,3% so với đăng ký trợ giúp ban đầu) với tổng trị giá trong cả nước đạt 346 tỷ 605 triệu đồng.
Những con số trên đây tiếp tục khẳng định những nỗ lực vượt bậc của các cấp Hội, không ngừng đổi mới, bám sát cơ sở, gắn với nhu cầu, lợi ích của nhân dân và của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong cả nước, góp phần chăm lo, giúp đỡ có hiệu quả các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Thiết thực lập thành tích thi đua chào mừng 63 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2009), các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trợ giúp nhân đạo, tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” thiết thực, hiệu quả; tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng, tập trung vào công tác phòng ngừa và ứng phó với đại dịch ở người, đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện; tích cực chuẩn bị và sẵn sàng tham gia phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa; chú trọng các hoạt động xây dựng nguồn lực hoạt động Chữ thập đỏ; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, tổ chức vận động quyên góp rộng rãi trong từng cấp Hội và các tầng lớp nhân dân ủng hộ Chương trình “Sức mạnh nhân đạo” năm 2009 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức dự kiến vào dịp 23/11.
* *
*
NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
• Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập tổ chức Ban Hồng Thập tự Việt Nam.
• Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác đã giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
• Ngày 23/11/1946, không đầy 1 tháng trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất đã họp tại đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đây chính là mốc son đánh dấu sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - một tổ chức chuyên trách làm công tác nhân đạo của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại hội đã nhất trí suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự và cử bác sĩ Vũ Đình Tụng là Hội trưởng.
• Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước ta gửi Công hàm cho Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố phê chuẩn và gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có điều kiện gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động.
• Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ họp ở Niu-đê-li (ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
• Ngày 19/11/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội.
• Trong cao trào nổi dậy của toàn miền Nam, sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, ngày 27/2/1961, tổ chức Hồng thập tự giải phóng của Mặt trận ra đời do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Hội, sau đó có tên là Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
• Ngày 15/12/1965, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội.
• Ngày 10-11/12/1971, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II. Số hội viên khoảng 10 vạn người. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội.
• Tháng 6/1973, Đại hội Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được cử làm Chủ tịch Hội.
• Ngày 31/7/1976, Hội nghị thống nhất Hội Chữ thập đỏ 2 miền thành Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Thủ được cử làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 1984, Giáo sư Nguyễn Văn Thủ mất.
• Ngày 11-12/3/1988, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V. Đây là Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được cử làm Chủ tịch Hội.
• Ngày 15-17/3/1995, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI. Tổng Bí thư Đỗ Mười được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được tín nhiệm tiếp tục làm Chủ tịch Hội.
• Ngày 7 - 9/8/2001, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII. Đại hội mở đầu thiên niên kỷ mới với những thời cơ mới, thách thức mới đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ phải không ngừng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, vai trò của Hội Chữ thập đỏ. Chủ tịch nước Trần Đức Lương được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được tín nhiệm tiếp tục làm Chủ tịch Hội. Ngày 31/7/2003, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ họp thứ 4 khóa VII, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được nghỉ hưu và thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã cử Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch - Tổng thư ký làm Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
• Ngày 28-29/6/2007, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII với sự góp mặt của 400 đại biểu cả nước. Tiến sỹ Trần Ngọc Tăng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
BAN TUYÊN TRUYỀN – THANH THIẾU NIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét