Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Mời các bạn quan tâm cùng nhau tìm hiểu và trao đổi về Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010

Mời các bạn quan tâm cùng nhau tìm hiểu và trao đổi về Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010

1. Giới thiệu chung về Chương trình
Chương trình Ngày Sáng Tạo Việt Nam (VID) năm 2010 do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Chương trình nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo ở cấp cộng đồng để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển. Cho đến thời điểm này, những tổ chức sau đã chính thức cam kết trở thành nhà tài trợ chính của Chương trình năm nay: Đại Sứ quán Đan Mạch, Bộ Phát triển Quốc tế (Vương quốc Anh), Đại Sứ quán Phần Lan và Chương trình Phát triển Quốc tế Mỹ. Chương trình nhằm phát hiện, chia sẻ, trao đổi và trực tiếp hỗ trợ những dự án phát triển ở cấp địa phương thực hiện có kết quả và có khả năng mở rộng hoặc nhân rộng. Chủ đề của Chương trình năm nay là “Biến đổi khí hậu”.
Tổng quan về chủ đề của Chương trình
Trong Điều 1 của Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) định nghĩa “biến đổi khí hậu” (BĐKH) là “sự biến đổi của khí hậu do các hoạt động của con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra làm thay đổi cấu tạo của khí quyển toàn cầu và là một trong các nhân tố gây ra những biến động khí hậu tự nhiên trong các giai đoạn nhất định”.
Theo báo cáo phát triển năm 2010 của Ngân hàng Thế giới, BĐKH dự tính sẽ tác động lớn nhất lên các nước đang phát triển. Những tác động này, gồm sự gia tăng về các đợt hạn hán, lũ lụt, bão và các đợt nóng – đặt ra những rủi ro lớn cho ngành nông nghiệp, thực phẩm và cung cấp nước, đe dọa và cản trở nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Muốn giải quyết thách thức lớn này cần phải kết hợp cả hai hành động đó là giảm thiểu tác động BĐKH – để tránh nhưng hậu quả ngoài tầm kiểm soát, và thích ứng với BĐKH – để xử lý các tác động không thể tránh khỏi trong khi vẫn phải tập trung vào khía cạnh xã hội của nó.
Hiện trạng
Ứng phó với BĐKH được coi là một thách thức chủ yếu đối với tiến trình phát triển của Việt Nam. Những tác động do BĐKH ở Việt Nam là rất nghiêm trọng và là mối đe dọa sát sườn đối với việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất với biến đổi khí hậu ở Việt Nam là thủy lợi, an ninh lương thực và nông nghiệp, các vấn đề y tế và các khu vực đồng bằng thấp và các vùng duyên hải .
Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về BĐKH (CTMTQG) vào năm 2008. Mục tiêu chính của Chương trình là đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu lên các vấn đề, khu vực, địa phương khác nhau trong các giai đoạn khác nhau, và để thiết lập các kế hoạch hành động khả thi để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu cả về ngắn và dài hạn.
CTMTQG chia tác động ra làm ba loại gồm các tác động gây tăng mực nước biển, các thay đổi về lượng mưa và sự ấm lên của trái đất, và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết bất lợi. CTMTQG cũng phác thảo một bản kế hoạch gồm ba giai đoạn để thực hiện từ năm 2009 đến sau năm 2015.
Gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố các kịch bản BĐKH và Mực nước biển dâng tại Việt Nam, đặc biệt làm rõ 03 biến đổi chính về khí hậu đến năm 2100. Những bức tranh tương lai này dự kiến sẽ là cơ sở định hướng cho các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương để thiết kế các kế hoạch ứng phó với những tác động có thể do biến đổi khí hậu.
Ứng phó với Biến đổi khí hậu đề cấp đến hai mảng hoạt động: (1) giảm nhẹ tác động của BĐKH đề cập đến sự thay đổi công nghệ giúp giảm tiêu thụ năng lượng tự nhiên và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho mỗi đơn vị đầu ra sản phẩm. Dù một số chính sách về công nghệ, kinh tế và xã hội có thể sẽ giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xét về khía cạnh biến đổi khí hậu, việc giảm nhẹ ở đây có nghĩa là thực hiện các chính sách để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường cơ chế và hoạt động nhằm loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi không khí (sinks) ; và (2) thích ứng với BĐKH đề cập đến các ý tưởng và biện pháp để làm giảm rủi ro của tự nhiên và con người trước các hậu quả của BĐKH .
Chương trình VID năm 2010 bao gồm những phần chính sau:
• Cuộc thi Sáng tạo - Là cuộc thi công khai, có giám khảo chấm điểm; giải thưởng như nguồn vốn ban đầu sẽ được trao cho những ý tưởng sáng tạo nhất đóng góp cho việc giảm nhẹ tác động và thích ứng với BĐKH
• Diễn đàn tri thức – Là diễn đàn chia sẻ kiến thức và thảo luận mở về chủ đề "ứng phó với biến đổi khí hậu'' tại Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết về khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các các hành động ứng phó cũng như khuyến khích sự vào cuộc của các thành phần khác, nhất là khu vực tư nhân và các bên liên quan ở cấp cơ sở vào việc thực hiện các ý tưởng giảm khí nhà kính và giảm mức độ tác động của BĐKH.
2. Thể lệ cuộc thi
Yêu cầu nội dung
Ngày sáng tạo Việt Nam 2010 kêu gọi các đề xuất về vấn đề ''Ứng phó với biến đổi khí hậu'' tập trung vào nhưng không giới hạn bởi những chủ đề phụ sau:
1. Giảm thiểu tác động BĐKH: các biện pháp cải tiến giúp giảm khí nhà kính, gồm nhưng không giới hạn các lĩnh vực như năng lượng (năng lượng tái sinh và hiệu quả sử dụng năng lượng), giao thông, xây dựng, nông lâm nghiệp, quản lý rác thải, cơ chế phát triển sạch (CDM), v.v… Những chủ đề nhỏ này khuyến khích các ý tưởng sáng tạo về giảm năng lượng tiêu thụ và giảm lượng khí thải nhà kính khác như methan hay nitơ oxit ở cấp cơ sở, hình thành/thử nghiệm các hành động sáng tạo trong việc khuyến khích cộng đồng và các hộ dân sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh khác nhau.
2. Thích ứng với BĐKH: các biện pháp cải tiến giúp giảm mức độ ảnh hưởng của BĐKH đối với các môi trường tự nhiên và con người, gồm các sáng kiến nhằm giảm nhẹ hậu quả cũng như đối phó với các thảm họa tự nhiên. Các hoạt động thích ứng với BĐKH có thể sẽ có sự tham gia của nhiều bên liên quan, đó là thủy lợi, nông – lâm – ngư nghiệp, công tác quản lý khu vực ven biển, đa dạng sinh học, y tế, giao thông và xây dựng, quản lý phòng ngừa thiên tai, v.v.
Bộ Tài nguyên và Môi trường gần đây đã công bố các kịch bản về BĐKH tại Việt Nam trong tương lai. Kịch bản này mô tả theo từng vùng miền của cả nước về sự thay đổi lượng mưa, thay đổi nhiệt độ, độ tăng của nước biển, những thay đổi có thể xảy ra cùng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Các đề xuất cho chủ đề thích ứng với BĐKH là: i) Giải thích và hiểu kịch bản quốc gia tại cấp địa phương, ii) hiểu và thử nghiệm các giải pháp thích ứng cho những mối đe dọa ở cấp địa phương mà chưa được đề cập trong các chương trình mang tính quốc gia.
3. Các hoạt động khác: các biện pháp cải tiến để hỗ trợ cho cả hai việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, ví dụ như lồng ghép vấn đề BĐKH vào công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu về vấn đề BĐKH, các biện pháp nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về các chủ đề giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, v..v.
Những chủ đề phụ này được thiết kế với mục đích gợi ý cho các đề án. Các đề án không thuộc những chủ đề phụ này nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ chủ đề chính cũng sẽ được xem xét.
Các đề án dự thi phải tuân theo mẫu Đơn dự thi do Ban Tổ chức công bố và hiện có thể được download từ Website của Ngân hàng Thế giới http://www.worldbank.org.vn, Bộ Tài nguyên và Môi trường http://www.monre.gov.vn và của Trung ương Đoànhttp://doanthanhnien.vn/. Thông tin chi tiết và đầy đủ về Chương trình, hướng dẫn các viết và gửi các đề án dự thi và mẫu đơn dự thi cũng được cung cấp tại bàn lễ tân của Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, địa chỉ tầng 8, số 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Những tài liệu trên cũng có thể được gửi qua fax, email hoặc qua đường bưu điện theo yêu cầu.
Các đề án dự thi phải đáp ứng các yêu cầu sau:

 Có mục tiêu rõ ràng, sáng tạo và phù hợp với chủ đề chính của chương trình, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển ở địa phương nơi dự án dự kiến thực hiện;
 Xác định rõ các kết quả mong đợi, có kế hoạch thực hiện rõ ràng trong khoảng thời gian tối đa là 01 năm;
 Xác định rõ đối tượng hưởng lợi và các bên liên quan trong quá trình thực hiện;
 Nhận được hỗ trợ từ phía cộng đồng và thu hút được sự tham gia của đối tượng hưởng lợi;
 Mang tính thực tế và có khả năng nhân rộng;
 Có khả năng thực hiện ý tưởng sáng tạo đề xuất, bao gồm khả năng huy động nhân lực, trang thiết bị cần thiết và các đóng góp tài chính (nếu được);
 Có dự trù ngân sách chi tiết.

Hồ sơ hợp lệ:
Ngày sáng tạo Việt Nam tìm kiếm những đề án từ tất cả các tổ chức và cơ quan chính phủ Việt Nam đã đăng kí và có tư cách pháp nhân ở cấp địa phương, trừ các cơ quan và đơn vị sau: (1) Các cơ quan và đơn vị thành viên của cơ quan tổ chức và đồng tổ chức; (2) Các cơ quan, tổ chức và các đơn vị có liên quan tới các lực lượng quân đội và cảnh sát. Các tổ chức nước ngoài và quốc tế chỉ có thể nộp hồ sơ cùng với một tổ chức địa phương khác.
Hình thức dự thi:
• Các tài liệu bằng tiếng Việt
• Một đơn vị có thể gửi hơn một đề án dự thi
• Các đề án dự thi có thể gửi qua đường bưu điện hoặc qua email. Các đề án phải ghi rõ tên và địa chỉ của cơ quan đề xuất thực hiện
• Trong trường hợp có những đề án dự thi giống hệt nhau, đề án nào gửi đến trước sẽ được công nhận.

Các tiêu chí lựa chọn:
Tất cả các đề án dự thi sẽ được chấm qua 02 vòng. Thành phần Ban giám khảo là các chuyên gia cao cấp của Việt Nam và của các tổ chức quốc tế do các bên đồng tổ chức và các nhà tài trợ mời. Các tiêu chí lựa chọn chính bao gồm:
 Tính sáng tạo: Cách tiếp cận của dự án khác gì so với các dự án đang tồn tại khác;
 Kết quả: Dự án sẽ mang lại những kết quả rõ ràng và có thể đo lường được cả về mặt định tính lẫn định lượng, có tác động trực tiếp lên nhóm đối tượng hưởng lợi không;
 Tính thực tế/ Năng lực Tổ chức: Dự án có kế hoạch thời gian thực hiện và ngân sách chi tiết khả thi không? Ý tưởng sáng tạo có thể được thực hiện trong một năm không? Năng lực thực hiện dự án của tổ chức như thế nào?
 Tính bền vững và khả năng phát triển: Dự án có khả năng tiếp tục và phát triển sau khi hết nguồn vốn của chương trình không? Các kết quả sáng tạo sẽ được duy trì và ý tưởng sáng tạo có được áp dụng cho các nhóm đối tượng khác hoặc ở những vùng khác không?
Hạn nộp
Các đề án dự thi phải được gửi đến Ban Tổ chức Chương trình trước 17:00 ngày 22/03/2010 (đối với các đề án ngoài Hà Nội, thời hạn nộp sẽ dựa vào dấu bưu điện hoặc thời gian hiển thị trên email) đến địa chỉ:

Ban Tổ chức Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Tel: (04) 3934-6600 (số máy lẻ 335); 3936- 7335; Fax: (04) 934-6597
Email: hdoan@worldbank.org, Vietnam@worldbank.org

Các thông tin chi tiết có thể được download từ trang web:
www.worldbank.org.vn/ngaysangtao

Chú ý:
• Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ đề án dự thi nào không được gửi tới Ban Tổ chức trước hạn nộp cuối;
• Danh sách các dự án thắng cuộc sẽ được công bố trong Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào ngày 28/04/2010;
• Các quyết định Ban giám khảo đưa ra được cho là quyết định cuối cùng và không đơn vị/cá nhân nào được phép yêu cầu/trao đổi thông tin trong suốt quá trình chấm đề án;
• Các đề án dự thi không được gửi trả lại và Ban Tổ chức có quyền sử dụng bất kỳ thông tin nào trong các đề án phục vụ mục đích trao đổi thông tin.

Giải thưởng:
• Chương trình dự kiến trao ít nhất 20 giải thưởng dựa vào kết quả chấm các đề án. Danh sách các đề án thắng cuộc sẽ được Ban Giám khảo quyết định dựa vào chất lượng của các đề án dự thi, tổng ngân sách đề xuất trong các đề án và tổng số tiền tài trợ. Mỗi giải thưởng trị giá tối đa là 15.000 đô-la Mỹ (tương đương với 270.000.000 đồng Việt Nam) như những nguồn vốn ban đầu sẽ được trao cho các đề án thắng cuộc. Số tiền thưởng cuối cùng có thể thay đổi và sẽ được quyết định dựa vào nhu cầu thực tế của các đề án được lựa chọn.
• Danh sách các đề án lọt vào vòng 2 sẽ được công bố vào đầu tháng 04/2010 và đại diện của những đề án này sẽ được mời đến tham dự vòng thi thứ 2 này dự kiến được tổ chức vào ngày 27 & 28/04/2010 tại Hà Nội. Để nhận được tiền thưởng, những đề án được giải sẽ phải tuân theo một số bước/điền một số đơn mẫu theo yêu cầu của Ban Tổ chức.
Khung thời gian dự kiến:
• Từ 05/01/2010 đến 20/03/2010: Tổ chức các Hội thảo giới thiệu và mời dự thi
Trong khoảng thời gian từ 05/01/2010 đến 20/03/2010, 08 Hội thảo giới thiệu sẽ được tổ chức tại các tỉnh/thành phố sau: Hà Nội, Điện Biên, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt, Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Quảng Bình.
• Đến ngày 22/03/2010: Nhận các đề án dự thi
• Từ 23/03/2010 đến 02/04/2010: Chấm điểm các đề án
Các đề án dự thi sẽ được chấm điểm dựa theo các tiêu chí lựa chọn.
• 05/04/2010: Công bố danh sách các đề án vào vòng 2
Đại diện các đề án được chọn vào vòng 2 sẽ được mời đến trình bày về dự án mình trước Ban Giám khảo tại Hà Nội
• 27-28/04/2010: Ngày Sáng tạo Việt Nam & Diễn đàn tri thức, Hà Nội
- Tại sự kiện Ngày Sáng tạo Việt Nam, một Ban Giám khảo độc lập bao gồm các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế do Ban Tổ chức mời sẽ đánh giá từng mô hình đề án và lựa chọn ra các đề án thắng cuộc để trao giải;
- Một diễn đàn chia sẻ kiến thức và thảo luận mở về chủ đề "ứng phó với biến đổi khí hậu'' tại Việt Nam sẽ được tổ chức trong ngày 28/04/2010. Diễn đàn nhằm tăng cường sự hiểu biết về khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các các hành động ứng phó cũng như khuyến khích sự vào cuộc của các thành phần khác, nhất là khu vực tư nhân và các bên liên quan ở cấp cơ sở vào việc thực hiện các ý tưởng giảm khí nhà kính và giảm mức độ tác động của BĐKH.
(Tổng hợp và đăng tin: Khánh Kiều - VID Bến Tre)
Attachments:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét