Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Ngày Sáng Tạo Việt Nam 2010 : Hiến kế cho chủ đề 'Biến đổi khí hậu'

Ngày Sáng Tạo Việt Nam 2010 : Hiến kế cho chủ đề 'Biến đổi khí hậu'

Từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 1.300 đề án tham gia Ngày Sáng tạo Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, trong đó, có 200 đề án đã được tài trợ với số tiền 2 triệu USD. 

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ngân, Cán bộ phụ trách Truyền thông và đối ngoại của WB, Quản lý Chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam cho biết: “Sức sáng tạo của người Việt Nam rất lớn và mang tính thực tiễn cao. Khi nhìn thấy vấn đề của mình thì cộng đồng sẽ tìm ra được những giải pháp để giải quyết vấn đề đó”.

Thạc sĩ cũng đã cuộc trao đổi với báo giới trước vòng chung kết Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010 về chủ đề “Biến đổi khí hậu” diễn ra vào ngày 5-5 tới.

- Được biết, từ năm 2003 Ngày Sáng tạo Việt Nam đã diễn ra 7 lần, và sắp sửa trao giải cho lần thứ 8. Xin anh cho biết chủ đề của Ngày sáng tạo Việt Nam hàng năm là gì?

Ths.Nguyễn Hồng Ngân: Bắt đầu vào năm 2003, khi đó chủ đề của Ngày sáng tạo VN rất rộng là “Sáng tạo vì cuộc sống an toàn”. Sau này thì các chủ đề có tính tập trung hơn, như “Những sáng kiến phòng chống HIV/AIDS”, “Hành động vì môi trường”, và gần đây nhất là “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”. Tất cả những chủ đề của Ngày Sáng tạo Việt Nam đều bắt nguồn từ những vấn đề bức xúc của cộng đồng.

- Mỗi năm phải lựa chọn một chủ đề, quy trình này thế nào, thưa anh?

Ths.Nguyễn Hồng Ngân: Trước khi lựa chọn chủ đề của Ngày Sáng tạo Việt Nam, chúng tôi tham khảo ý kiến của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm đã đoạt giải Ngày sáng tạo Việt Nam của các năm trước… 

Sau khi tập hợp được ba, bốn chủ đề, chúng tôi sẽ họp thảo luận với các nhà tài trợ để nghe quan điểm của họ về vấn đề họ quan tâm là gì. Bước tiếp theo, chúng tôi thảo luận với đối tác cùng tổ chức. 

Năm 2010, đối tác của chúng tôi là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi thảo luận, chúng tôi được biết chủ đề “Biến đổi khí hậu” cũng đang là ưu tiên của Việt Nam.

- Đã bao giờ Ban tổ chức phải băn khoăn khi lựa chọn chủ đề vì có quá nhiều vấn đề đáng quan tâm?

Ths Nguyễn Hồng Ngân: Có đấy. Vào năm 2008, có hai lựa chọn cho chủ đề Ngày Sáng tạo Việt Nam đó là an toàn thực phẩm và phòng chống tham nhũng. Nhiều ý kiến chúng tôi tham khảo đều cho rằng hai chủ đề này đều hay, vì thế chúng tôi quyết định chọn luôn chủ đề cho hai năm liên tiếp. 

Trong khi vấn đề an toàn thực phẩm đang rất nóng, thì phòng chống tham nhũng rất quan trọng nhưng là vấn đề lâu dài. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn chủ đề Ngày sáng tạo Việt Nam 2008 là “An toàn thực phẩm” và năm 2009 là “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”. Còn các năm trước hay trong lần chọn chủ đề mới nhất cho năm nay, việc lựa chọn đều tương đối tập trung, vì mỗi năm, dường như vấn đề quan tâm của Chính phủ và người dân đều tương đồng. 

- Anh có thể nói rõ hơn về chủ đề được lựa chọn năm nay?

Ths Nguyễn Hồng Ngân: Từ tháng 7 năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu lấy ý kiến tham vấn cho chủ đề của năm tới. Chủ đề “Biến đổi khí hậu” năm 2010 đã được lựa chọn rất nhanh chóng. Lúc đó, vấn đề biến đổi khí hậu chưa hẳn đã nóng. Chỉ sau khi diễn ra Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 15 (COP 15) tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12 năm ngoái, đây mới trở thành một vấn đề nóng mang tính toàn cầu.

- Chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010 đang đến giai đoạn nước rút. Cuộc thi năm nay đã diễn ra như thế nào?

Ths Nguyễn Hồng Ngân: Ngay sau lễ phát động Ngày Sáng tạo Việt Nam với chủ đề “Biến đổi khí hậu” vào ngày 5-1, chúng tôi đã tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu về chương trình ở thư viện của bốn địa phương: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng với sự tham gia của SV các trường đại học và chi đoàn của các sở ngành địa phương. 

Chúng tôi cũng đã tổ chức 9 hội thảo tại các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Quảng Bình, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, nhằm giới thiệu về chủ đề của cuộc thi, cách thức tham gia cuộc thi, cũng như kiến thức về biến đổi khí hậu cho các đối tượng sẽ tham gia dự thi.

Sau ba tháng phát động, chúng tôi đã nhận được 261 đề án dự thi đến từ các vùng miền của đất nước. Ban giám khảo vòng 1 chấm thi và chọn ra 61 đề án vào vòng chung kết. 

- Trong số những đề án lọt vào chung khảo năm nay, có đề án nào thuộc nhóm tác giả đã đoạt giải các năm trước không, thưa anh?

Ths Nguyễn Hồng Ngân: Có khá nhiều đề án vào chung kết là của các nhóm tác giả đã đoạt giải năm trước. Ví dụ năm 2008, nhóm My Hanoi đã từng đoạt giải với đề án “Thanh niên hành động nhằm thay đổi thói quen vứt rác nơi ăn uống công cộng, giữ vệ sinh nhà hàng, quán ăn”. Năm nay, đề án “Dây leo tạo không gian xanh giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông” của họ lại được vào chung kết.

Hay như ở Bến Tre, cộng đồng đã tự lập ra Văn phòng Ngày sáng tạo Việt Nam để tổ chức tham gia chương trình. Nhóm VID Bến Tre này đã từng đoạt giải các năm 2007, 2008, 2009. Năm nay, đề án “Truyền thông ứng phó với biến đổi khí hậu qua các làn điệu dân ca Bến Tre” của tác giả Huỳnh Thị Phượng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Bến Tre, và thầy Phạm Văn Luân, Trường CĐ Bến Tre ( thuộc Nhóm VID Bến Tre) tiếp tục được vào vòng trong…
- Ngày Sáng tạo Việt Nam đã đi qua một chặng đường khá dài với tầm ảnh hưởng rộng khắp. Anh có thể nói gì về ý nghĩa của chương trình này?
Ths Nguyễn Hồng Ngân: Qua chương trình này, chúng tôi thấy sức sáng tạo của người Việt Nam rất lớn và mang tính thực tiễn cao. 
Thứ nhất, khi nhìn thấy vấn đề của mình thì cộng đồng tìm ra được những giải pháp để giải quyết vấn đề đó mà không chờ đợi phải có những sự khuyến khích, thúc đẩy hay chỉ đạo từ phía trên. 
Thứ hai, đấy là sự tâm huyết với cộng đồng. Rất nhiều nhóm khi muốn giải quyết các vấn đề của cộng đồng, họ đã tìm mọi cách để giải quyết được vấn đề đó. 
Qua đây chúng tôi cũng đã xây dựng được “cái kho” rất nhiều ý tưởng khác nhau. Nhờ đó, các cơ quan chính phủ khi tham gia cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức chương trình này, cũng sẽ có nhiều ý tưởng khác nhau để lập những chính sách phù hợp hơn với cộng đồng. Họ có thể sử dụng chính những giải pháp mà cộng đồng đưa ra để lập nên những chính sách lớn hơn ở cấp quốc gia và cấp khu vực nhằm giải quyết vấn đề đó. 
Điều quan trọng khác là qua chương trình này, chúng ta huy động được sự tham gia rất lớn của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, thậm chí cả các công ty tư nhân vào trong những việc mà chúng ta tưởng chừng chỉ Chính phủ mới giải quyết được.
- Xin cảm ơn anh. Chúc Chương trình Sáng tạo Việt Nam vì “Biến đổi khí hậu” năm nay sẽ thành công!

•P.Thảo
(Vietnam Net, 28/4/2010)
Attachments:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét