Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Mời tham gia góp ý bình chọn tác phẩm tham dự Giải báo chí Dự án VID122

Mời tham gia góp ý bình chọn tác phẩm tham dự Giải báo chí Dự án VID122

Bài dự thi Giải báo chí “Nâng cao tinh thần trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức

Đường đi đến “ Vinh quang Việt Nam 2009”


Thi công cầu cáp treo nối hai xã: Thành An và Tân Bình (Mỏ Cày Bắc) do ông Toni Ruttiman (Thụy Sĩ) tài trợ. Ảnh: Hoàng Vũ

Sau 7 năm hoạt động, đến tháng 6-2009, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre (Hội KHKTCĐ-BT) đã vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong ngoài nước giúp Bến Tre xây dựng 855 cầu và 83,4 km đường nông thôn với giá trị trên 70 tỷ đồng. Cuối tháng 4-2009, ông Trịnh Văn Y, Chủ tịch Hội KHKTCĐ-BT, là một trong những người tiêu biểu được tôn vinh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2009”. 7 năm cùng theo chân ông Trịnh Văn Y đến những công trình cầu đường nông thôn, tôi đặc biệt chú tâm tìm hiểu “cách làm” của Hội KHKTCĐ-BT.



Nơi hội tụ những tấm lòng vàng

Một thời chưa xa, người dân vùng sâu Bến Tre vẫn ngân nga câu hát ru não nuột: “Ầu ơi…Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”. Câu hát ru chất chứa niềm khát khao này cứ làm ông Trịnh Văn Y (Hai Y) nặng lòng khi thấy quê mình đi đâu cũng gặp sông rạch, nhưng lại thiếu cầu, đường cho dân đi.

Năm nay đã 68 tuổi nhưng ông vẫn xăng xái đi nhiều nơi, trong và ngoài tỉnh Bến Tre, vận động xây dựng cầu, đường nông thôn. Ông nói, 10 năm ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (1991-2000), phụ tách khối nông – lâm – thủy sản, nên ông rất gắn bó với nông thôn Bến Tre và hiểu được những trăn trở ở đây. Một trong những bức xúc ở nông thôn Bến Tre trước đây và ngay cả hiện nay là vấn đề giao thông. Giao thông trắc trở đâu chỉ là hàng rào vô hình ngăn bước con cháu chúng ta đến trường; khó khăn, thấp thỏm khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu…; mà bức xúc hơn cả là vấn đề giao lưu hàng hóa của nông dân sản xuất tại vùng sâu. Làm ra sản phẩm đã khó, rồi lại không bán được sản phẩm chỉ vì đường sá trắc trở. Điều này đau lắm!

Năm 2002, Hội KHKTCĐ-BT được thành lập với trên 200 hội viên, ông Trịnh Văn Y được bầu làm chủ tịch hội. 7 năm qua, để có tiền xây cầu cho dân nghèo, ông Hai Y lập đề án rồi đi vận động từ nhiều nguồn trong, ngoài tỉnh, các cá nhân, tổ chức từ thiện ở nước ngoài. Đáng kể nhất là ông Hai Y đã mời ông “Tây” người Thụy Sĩ Toni Ruttimann đến Bến Tre và ông Tây này đã giúp Bến Tre xây 48 cầu cáp treo trị giá 15 tỷ đồng, trong đó riêng ông Toni tài trợ khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh tấm lòng của ông Toni Ruttimann, hội đã tranh thủ với Quỹ Schmitz (Đức) hỗ trợ Bến Tre xây cầu nông thôn. Năm 2005-2006, qua tài trợ của Quỹ Schmitz, hội đã thiết kế kỹ thuật và phối hợp với các địa phương xây dựng 20 cầu bê tông cốt thép, bình quân mỗi cầu 25 triệu đồng. Từ kết quả trên, hội lập dự án gởi Bộ Hợp tác kinh tế liên bang và phát triển Đức và Quỹ Schimtz, xin được tiếp tục hỗ trợ xây cầu nông thôn. Đầu năm 2007, Dự án VIE 115/5/12 được ký; theo đó, trong hai năm 2007-2008, Đức đã giúp Bến Tre xây 137 cầu bê tông cốt thép với tiền hỗ trợ 348.390 euro. Nhận thấy Bến Tre thực hiện các dự án xây cầu nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực nên năm 2009, Đức tiếp tục tài trợ cho Bến Tre xây thêm 30 cầu nông thôn với trị giá 95.480 euro. Hiện nay, 190 cầu do Đức hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng an toàn. Tại lễ khánh thành, hoàn thành 137 cầu do Đức giúp, đại diện Quỹ Schimtz đã phát biểu trước lãnh đạo tỉnh Bến Tre: “Xây cầu nông thôn là việc của Nhà nước sở tại, ban đầu, chúng tôi chỉ tính “làm hữu nghị” với chừng vài chục cầu, nhưng nhận thấy Hội KHKTCĐ-BT đã sử dụng đúng tiền, đúng mục đích, hiệu quả, nên chúng tôi xúc tác với Bộ HTKTLB và PT (Đức) đầu tư cho Bến Tre lớn hơn, rộng khắp hơn…”.

Ngoài ra, các tổ chức Lysgard (Đan Mạch), Rotary (Úc), Berjaya (Malaysia), Từ thiện Phổ Hiền Nam California (Hoa Kỳ)…; các tổ chức kinh tế, xã hội ở Bến Tre; những người con quê hương Bến Tre sinh sống, công tác ngoài tỉnh; các tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể chính trị ngoài tỉnh; các tổ chức từ thiện của Phật giáo, kiều bào…; cũng đã hỗ trợ tiền, vật chất giúp Bến Tre xây dựng trên 500 cầu và hàng chục km đường nông thôn. Đặc biệt là tấm lòng của các tăng ni phật tử chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM), chùa này đã vận động các nhà hảo tâm giúp Bến Tre xây trên 60 cầu nông thôn với trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Hòa thượng Thích Như Niệm, Trụ trì chùa Pháp Hoa, tâm đắc: “Không có tích đức nào cho bằng tu kiều, bồi lộ. Ông Hai Y là người tập hợp được những tấm lòng nhân ái”. Riêng Ngân hàng Công thương Việt Nam giúp xây cầu Cồn Lợi (ven biển Thạnh Phú – nơi xa xôi nhất của Bến Tre) và đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà trẻ tại Cồn Lợi, Trường Tiểu học Nhuận Phú Tân 1 và 5 cầu khắc phục bão Durian (2006) với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.

Còn nhớ, tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2009”, qua truyền hình trực tiếp, phát biểu về mô hình Hội KHKTCĐ-BT, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: “Hội KHKTCĐ-BT là nhịp cầu nối, hội đã đưa công nhân về với nông dân, trí thức về với nông dân, đạo về với đời, Việt kiều về với quê hương và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước…”.

Minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả
Gặp ông Hai Y, tôi gợi chuyện: “ Với địa bàn sông rạch chằng chịt như Bến Tre, làm cầu rồi lại làm cầu, làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong, phải không anh Hai?”. Không ngờ, ông lộ rõ niềm vui: “Đến nay, Hội KHKTCĐ-BT và các chi hội của các huyện đã vận độâng được số tiền là 70,5 tỷ đồng, trong đó các mạnh thường quân hỗ trợ 55,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 15 tỷ đồng. Với số cầu, đường đã xây dựng, hội đã góp phần xóa 813 cầu khỉ, cầu tạm và 42 bến đò ngang không an toàn đã tồn tại trên trăm năm qua. Hiện có trên 200 ngàn hộ dân với khoảng 850 ngàn người dân nông thôn được hưởng lợi từ các dự án, là điều kiện để kích thích phát triển kinh tế - xã hội tại nông thôn”.

Để tạo uy tín với nhà tài trợ, ông Hai Y cho biết “cách làm” của hội như sau: Trên cơ sở đề nghị của từng địa phương có nhu cầu xây dựng cầu, đường nông thôn, hội xem xét, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Tư vấn cầu đường của hội phối hợp với địa phương khảo sát và tiến hành lập hồ sơ thiết kế - dự toán cho từng công trình cầu, đường cụ thể.

Sau khi lập xong hồ sơ thiết kế - dự toán, hội kết hợp với địa phương đến gặp gỡ từng tổ chức, cá nhân để vận động và gởi hồ sơ thiết kế - dự toán để nhờ hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình. Số tiền hội đề nghị tối đa bao giờ cũng khoảng 3/4 so dự toán công trình, phần còn lại do địa phương vận động nhân dân đóng góp để nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm.
Khi nhà tài trợ đồng ý hỗ trợ kinh phí, hội và nơi sắp xây dựng công trình tổ chức giao - nhận số tiền được hỗ trợ, làm biên bản cụ thể. Với cách thức trên, nhà tài trợ là bên giao, địa phương là bên nhận, hội chỉ tham gia với vai trò chứng kiến của người vận động, xúc tác. Trường hợp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền từ thiện xây dựng cầu, đường nông thôn bằng chuyển tiền vào tài khoản của hội, thì sau khi tiếp nhận, hội sẽ rút tiền và trực tiếp bàn giao toàn bộ số tiền trên cho địa phương. Sau đó gởi biên bản giao – nhận tiền cho nhà tài trợ…

Hội KHKTCĐ-BT không lập quỹ trong thực hiện chương trình vận động các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước hỗ trợ tiền xây dựng cầu, đường nông thôn cho Bến Tre. Hội không thành lập đội công trình, vì theo ông Hai Y giải thích, người ta có thể nói là hội vận động tiền để đội công trình có công ăn việc làm, kiếm lợi nhuận từ các dự án. Cơ quan hội cũng không sắm ô tô riêng. Có việc, cán bộ của hội đi… xe nhờ của Đoạn Quản lý đường bộ hoặc thuê xe. Các chi phí cho vận động đều sử dụng từ tiền thu của hội qua Trung tâm Tư vấn cầu đường trực thuộc hội. Trung tâm Tư vấn này hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu, rất thiết thực trong làm tư vấn để đầu tư xây dựng phát triển giao thông, đảm bảo cân đối thu chi và giúp kinh phí cho hội hoạt động. Với các công trình, dự án do hội vận động xây dựng, Trung tâm Tư vấn và các Chi hội “làm từ thiện”, không thu phí tư vấn (nếu thu phí tư vấn mỗi năm trên tỷ đồng)…Khi tiến hành xây dựng, dù ở địa bàn trắc trở, heo hút, cán bộ hội luôn bám sát để theo dõi, đôn đốc. Mỗi chiếc cầu, đoạn đường thực hiện xong, đều công khai tài chính trước dân trong ngày lễ khánh thành, đều có bảng lưu niệm ghi tên nhà tài trợ được đặt ở một vị trí trân trọng ngay sát công trình. Với cách làm rạch ròi, minh bạch, thiết thực như trên, hội đã được các tổ chức, cá nhân làm từ thiện tín nhiệm và hỗ trợ ngày càng nhiều.

Từ thành công trong tập hợp nhân tài, làm tư vấn xây dựng cầu, đường và vận động nguồn vốn thiện nguyện để xây dựng, tại Hội thảo khoa học xây dựng cầu đường ĐBSCL do Trung ương Hội KHKTCĐ Việt Nam tổ chức tại Bến Tre vào tháng 9-2006, Hội KHKTCĐ-BT được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả xã hội cao trong cả nước. Tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2009” do Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo QĐND, Báo Lao Động tổ chức vào cuối tháng 4-2009, ông là một trong những tấm gương tiêu biểu của cả nước được tôn vinh. Mới đây, ngày 20-8-2009, Hội KHKTCĐ Việt Nam tổ chức hội nghị tại TPHCM, ông Hai Y đã báo cáo về “cách làm” của hội Bến Tre để nhiều tỉnh, thành khác có thêm kinh nghiệm. Được biết, Ban thi đua khen thưởng tỉnh Bến Tre cũng đang đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho “Ông Hai cầu đường “- Trịnh Văn Y.

Phan Lữ Hoàng Hà

Replies to This Discussion

Các bạn thân mến!
Nhằm giúp các bạn có thêm nhịp cầu đến với Giải báo chí Cự án VID122, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản Gợi ý của dự án (Văn bản này là dữ liệu của tác giả Đề án trình trước BGK cuộc thi VID2009).
HƯỚNG DẪN THAM GIA BÌNH CHỌN GIẢI BÁO CHÍ DỰ ÁN VID122
Ngày 29/4/2009
Đường link lấy tài liệu phục vụ :
http://www.attp.xudua.com
Mục tiêu của Dự án Giải báo chí “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” là hướng tới mở một “sân chơi” báo chí mang tính ‘‘biểu tượng’’cổ vũ cộng đồng nêu cao tinh thần trách mhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng; ngoài ra, Dự án này còn có tác dụng hiệu triệu mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, minh bạch hóa nguồn thu – chi ngân sách. Tổ chức giải báo chí với mô hình mới nhằm gia tăng tính minh bạch và sự hưởng ứng của cộng đồng đối với giải, đặc biệt là sự tham gia của người dân quyết định đến thành công của giải; theo đó có các hoạt động hướng đến xây dựng thói quen, ý thức, hình thành văn hóa đọc báo gắn với nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, đấu tranh làm trong sạch và lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội.
Đáp ứng mục tiêu trên, chúng tôi xin gợi ý hướng dẫn việc tham gia bình chọn các tác phẩm tham dự Giải báo chí VID122 như sau:
A –VỀ NỘI DUNG:
Bám sát nhưng không chỉ tập trung vào 5 đề tài;
1- Cuộc đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, thiếu ý thức trách nhiệm, vô cảm, quan liêu cửa quyền đối với nhân dân.
2- Những điển hình học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng.
3- Nhà báo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch trong tác nghiệp.
4- Những nhân tố mới, cách làm hay thể hiện tính trách nhiệm và minh bạch, công khai hóa và làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội.
5- Những chuyển biến mới trong quá trình thực hiện cải cách hành chánh thể hiện rõ tính trách nhiệm và minh bạch trong thời hội nhập.
+ Lưu ý đến cách tiếp cận mới, sáng tạo, có ý nghĩa thực tiễn và phổ quát để có thể nhân rộng, học tập, đúc kết thành qui trình áp dụng cho những cộng đồng rộng lớn cả trong và ngoài nước, trong quá trình bình chọn khuyến khích trao đổi xây dựng giữa người bình chọn và tác giả.
+ Khuyến khích và có hình thức ghi nhận thích đáng đối với các tác phẩm có tính minh chứng cao, phản ánh những sự kiện mang tính “người thật, việc thật”, các vụ việc đã được điều tra, có kết luận chính thức của cơ quan pháp luật, các tác phẩm phản ánh được tác động tích cực của quá trình triển khai Dự án VID122 và phong trào Ngày sáng tạo Việt Nam (VID) ở Bến Tre và trong cả nước, những tác phẩm có tính kết nối, dẫn dắt hành động trong cuộc sống và có tính tương tác cao đáp ứng yêu cầu nhân điển hình về tính trách nhiệm, minh bạch nhưng phải hướng tới đấu tranh hoặc có thái độ dứt khoát đối với tham nhũng.
+ Đặc biệt nhấn mạnh đến các đối tượng từ trước đến nay chưa được các giải báo chí đề cập đến như: Người bán báo, bạn đọc báo, tình nguyện viên cộng đồng… để hình thành mạng lưới kết nối sáng tạo theo tinh thần VID nhằm đáp ứng yêu cầu nhân rộng Dự án, xác lập mô hình truyền thông Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng.
B –VỀ HÌNH THỨC:
1- Tác phẩm báo in không quá 2.000 chữ. Báo nói, báo hình thời lượng không quá 10 phút. Mỗi tác giả có thể dự thi từ 1 – 5 tác phẩm do đó khi bình chọn khuyến khích tính đa dạng bên cạnh chất lượng và tính đến số lượng bài dự thi của từng tác giả.
2- Tác phẩm gởi dự thi ghi rõ bút danh, tên họ thật của tác giả, địa chỉ liên lạc và điện thoại ; đồng thời có thái độ hợp tác, sẵn sàng tương tác với bạn đọc trên mạng congdongsangtao, qua hộp thư điện tử hoặc trện diễn đàn của cổng thông tin www.attp.xudua.com (nếu có).
3- Có tính đến tính đặc thù của các đối tượng dự thi ở cơ sở, người bán báo, bạn đọc báo, tình nguyện viên cộng đồng không có điều kiện tác nghiệp chuyên nghiệp nhưng có ý thức và tâm tham gia bình chọn với thiện ý xây dựng và cung cấp thông tin cộng tác, phản hồi, phản biện các tác phẩm được đưa ra bình chọn và đạt giải trong tháng.
4- Ưu tiên các tác phẩm có tính tương thích cao trong môi trường mạng, dịch thuật và thiết kế thành sản phẩm cụ thể phục vụ việc chuyển giao, nhân rộng; tác phẩm là biểu tượng của quá trình hợp tác, kết nối các Dự án VID trong cả nước, đặc biệt là trên địa bàn triển khai Dự án.
5- Tác phẩm có tính lan truyền và tác động xã hội rộng lớn (đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có số lượng người tiếp cận, khai thác và sử dụng cao, có chất lượng và thiết thực)
C –VỀ GIẢI THƯỞNG: Giải thưởng cho người bình chọn giải trên mạng:
- 1 giải nhất: 1.000 000 đ
- 2 giải nhì: 500.000 đ/giải
- 3 giải ba: 300.000 đ/giải
- 5 giải khuyến khích 200 000 đ/ giải
- Ngoài ra, BĐH và nhóm VID Bến Tre sẽ tích cực huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân theo phương thức vốn đối ứng và xã hội hóa hoạt động truyền thông cộng đồng cũng như lồng ghép vào các Chương trình tuyên truyền PCTN của các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh để trao phần thưởng, quà tặng cho địa phương, đơn vị, cá nhân tích cực phát động, hướng dẫn và tham gia cuộc bình chọn hàng tháng, quí và cả năm.
Các bài bình phẩm, ý kiến bình chọn hay, xác đáng, sáng tạo, có cánh tiếp cận mới lạ, sáng tạo, độc đáo được Dự án và nhóm VID Bến Tre toàn quyền sử dụng vào mục đích tuyên truyền và phát triển cộng đồng phi lợi nhuận theo qui định chung của WB.
D- ĐỀ XUẤT THANG ĐIỂM BÌNH CHỌN;
Thang điểm bình chọn gợi ý như sau:
Về Nội dung:
+ Đảm bảo yêu cầu về đề tài: 1 điểm.
+ Trong 3 lưu ý về nội dung, lưu ý 1: 2 đ; lưu ý 2: 3 đ và lưu ý 3; 3 đ.
Về hình thức : Có 5 nội dung, số điểm từng nội dung tương ứng với số thứ tự của nội dung. Lưu ý có tính đến quá trình tương tác giữa người bình chọn và tác giả: trả lời đầy đủ, chính xác, thuyết phục thể hiện sinh động ý tưởng, tâm huyết người dự thi, có giá trị tuyên truyền chuyển đổi hành vi có lợi trong việc kêu gọi Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng.
Những nội dung gợi ý hướng dẫn nêu trên còn gì chưa rõ, xin liên hệ trực tiếp tác giả Đề án, Th.S. Phạm Văn Luân – phó trưởng phòng NCKH & QHQT, trường Cao đẳng Bến Tre Email: pvluan8@yahoo.com và nhóm VID Bến Tre qua số điện thoại nóng: 0988739732 hoặc CN Huỳnh Thị Phượng - thường trực Nhóm VID Bến Tre, BTV Bản tin Sức khỏe Bến Tre, Địa chỉ: 112 Đoàn Hoàng Minh, Phường 5, TX Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Điện thọai: 0753 822163. 0753814766. Fax: 0753 813227.
Email: vid217@yahoo.com.vn website: www.attp.xudua.com
http://congdongsangtao.ning.com/group/nhmvidbntre
http://congdongsangtao.ning.com/profile/NhomTNVDuanVID122

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét