Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Kỹ năng lắng nghe

Nhân trong các thảo luận vừa qua tại Netwworking day Nha trang, có một topic rất thú vị về chủ đề lắng nghe, và bản thân mình cũng thấy trong các thảo luận kỹ năng lắng nghe rất cần thiết, hôm nay xin hệ thống lại và giới thiệu 1 loạt bài về các softskill qua các khóa tập huấn lâu lâu chia sẻ để mọi người cùng xem và góp ý để hoàn thiện thành một bài viết hoàn chỉnh, coi như là một phần đóng góp nhỏ của mình với mạng CĐST năm nay và cũng thực hành luôn phong cách chia sẻ, làm việc cộng tác trên mạng.


Kỹ năng lắng nghe : Lắng nghe tốt là khả năng ngừng suy nghĩ và làm việc của mình để hoàn toàn tập trung vào những gì mà ai đó đang nói.
Lắng nghe cần trong nhiều tình huống ví dụ như khi điều hành một cuộc họp hay một cuộc thảo luận. Người điều hành cần học cách lắng nghe hay còn gọi là nghe chủ động. Lắng nghe không thể thực hiện cùng lúc với những hoạt động khác, có nghĩa là người lắng nghe sẽ dừng những suy nghĩ khác và lời lẽ của mình trong khi nghe.

Làm gì để lắng nghe hiệu quả :

1.Giữ yên lặng: Bạn không thể là một người lắng nghe tốt nếu bạn nói chuyện trong khi đang nghe người khác nói. Cần biết khi nào thì nên yên lặng. Hãy kiểm soát “mong muốn được nói ngay” của mình để nghe cho thấu ý kiến, tình cảm, động cơ của người đang nói.

2. Thể hiện rằng bạn muốn nghe: Người nói sẽ cảm thấy được khích lệ nếu bạn thực sự lắng nghe những gì họ đang nói. Lời nói hoặc cử chỉ của bạn sẽ cho người khác thấy bạn đang chăm chú lắng nghe. Hãy gật đầu, mỉm cười, giao tiếp bằng ánh mắt. Hãy để khuôn mặt bạn thể hiện sự quan tâm của bạn. Hãy đưa ra những câu nói mang tính khích lệ, như “thế à”, “mình hiểu”, “ hay quá”,..

3. Tránh sự phân tán : Gõ bàn, vẽ nguệch ngoạc, hoặc sắp xếp giấy tờ sẽ cho người khác thấy là bạn không thực sự lắng nghe họ nói.

4. Thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng : Hãy cố đặt mình vào địa vị của người nói và nhìn thế giới theo cách nhìn của người ấy. Hãy thể hiện rằng bạn tôn trọng những gì họ đang nói ra.

5. Kiên nhẫn : Khi người nói đang lúng túng hoặc diễn đạt không rõ ràng, bạn có thể nêu ra một số câu hỏi nhằm làm rõ hoặc giúp người nói tập trung vào điều muốn nói

6. Giữ bình tĩnh: Nếu vì một lý do nào đấy mà bạn cảm thấy mất tập trung hoặc nổi giận thì hãy dành thời gian để bình tĩnh lại trước khi bạn tiếp tục lắng nghe. Một người nghe đang mất tập trung hay giận dữ thì không thể lắng nghe hoặc hiểu một cách thấu đáo

7. Đặt câu hỏi : Sử dụng những câu hỏi mở sẽ khuyến khích người nói và cho họ thấy bạn đang quan tâm đến lời nói của họ. Những câu hỏi của một người lắng nghe tốt sẽ giúp được người nói khám phá những ý mới, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Ngược lại, các câu hỏi không xuất phát từ việc lắng nghe tốt dễ gây phản ứng tự vệ ở người nói hoặc lặp lại những gì đã nói. Đặt câu hỏi là cách tốt để khuyến khích người nói phát triển khả năng tự giải quyết vấn đề của chính họ.

8. Để những khoảng lặng : Đôi khi người nói sẽ cảm thấy dễ dàng nói ra những suy nghĩ sâu xa, tình cảm và động cơ thực sự của mình khi có ít phút im lặng sau khi đã “xả” xong những điều “bức xúc”. Bởi vậy người lắng nghe hãy dành những khoảng lặng cho người nói, với ngầm ý “tôi vẫn đang lắng nghe, bạn hãy nói tiếp đi”.

Không nên làm gì khi lắng nghe ?
Khi đang nghe, không nên

- Lơ đãng với người nói và coi thường câu chuyện của họ

- Cắt ngang lời người nói, hoặc giục người nói kết thúc câu chuyện của họ, nhìn vào đồng hồ.

- Nói tranh phần còn lại trong câu khi người nói (có thể) đang tìm cách diễn đạt

- Phán xét, đưa ra nhận xét, cãi lại, tranh luận với người nói trước khi nghe hết câu chuyện

- Đưa ra những lời khuyên khi người nói không yêu cầu

- Để cho những cảm xúc của người nói tác động quá mạnh đến tình cảm của mình

- Nghe qua một phễu lọc, áp đặt những kinh nghiệm và niềm tin của cá nhân vào những gì nghe được và hiểu / quy
kết vấn đề theo ý niệm sẵn có của riêng mình

- Nghe đại khái, bỏ qua các chi tiết cụ thể, chỉ nhớ các ý chính


Tổng hợp và CECEMS

Bài sau : Kỹ năng đặt câu hỏi

PS: Xin hoan nghênh mọi chia sẻ, kinh nghiệm và đóng góp của các bạn vào phần comment của bài viết, bài viết này sẽ liên tục được update, chỉnh sửa theo các ý kiến của các bạn để trở thành một bài viết hay, có các kinh nghiệm thực tế làm ví dụ của cộng đồng (ví dụ thực tế mọi người nhé)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét