Mời các bạn có ý kiến trao đổi về vấn đề này
Trao đổi quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội.Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc: Cha mẹ hết lòng, quên mình, hy sinh cho con, nuôi dạy con trưởng thành, “nên người”. Con cháu yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, tàn tật. Nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.Vợ chồng thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Anh, chị, em thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau, đùm bọc, nuôi dưỡng nhau. Ông bà nội, ngoại trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, đặc biệt đối với cháu mồ côi chưa thành hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động và không có khả năng để tự nuôi mình. Lên án người có hành vi vi phạm đạo lý, đạo đức gia đình (các hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông, bà, cha, mẹ, chồng, con, cháu, anh, chị, em và các thành viên khác trong gia đình; không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng v.v...).
- Là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước được các gia đình trân trọng, giữ gìn, vun đắp, phát huy. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách..
.
- Là một nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình đó đã đem đến cho các gia đình những cơ hội phát triển mới, mức sống của đại bộ phận các gia đình đã được nâng cao. Hơn 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa văn hóa cũng có nghĩa hơn 80% gia đình “gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú”; là hơn 80% “gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Đây chính là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, làm cho “xã hội ngày càng tốt”.
Gia đình là nơi êm ấm cho các thành viên trong ngày đi công tác lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập cần có giây phút bình yên thanh thản để tiếp tục tái sản xuất, Gia đình là điểm sum họp, là nơi để cho các thành viên có thể nghỉ ngơi sau một ngày lao động, học tập mệt nhọc, căng thẳng, ai cũng cần có những giây phút bình yên, vui vẻ, gần gũi với những người thân yêu trong gia đình. Mâm cơm gia đình sẽ giúp cho các thành viên có điều kiện để an ủi, giúp đỡ nhau hay tâm sự, bộc bạch những khó khăn, trăn trở trong cuộc sống; bầu không khí ấm áp của mỗi gia đình là hết sức cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ thơ. Sau bữa cơm, các thành viên trong gia đình cùng nhau trò chuyện vui vẻ, đồng thời cũng cần phải chuẩn bị tiếp tục cho công việc ngày hôm sau.
Gia đình là mái ấm: vừa là điểm xuất phát cho mỗi con người chúng ta, đồng thời cũng là nơi bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro, sóng gió của cuộc đời, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn mong muốn được các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc, an ủi, đùm bọc cho đến khi từ giã cõi đời và gia đình cũng là nơi để người già có những giờ phút thư giản để sống với đàn cháu con cho đến cuối cuộc đời Gia đình có hạnh phúc là yếu tố rất quan trọng giúp các thành viên vui vẻ, hăng hái phấn đấu, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác, lao động, học tập. Đây chính là nhân tố cực kỳ quan trọng làm cho cộng đồng, xã hội văn minh, phát triển.
Gia đình là mái ấm thâm tình chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi
Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp, đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ở Việt Nam theo số liệu tổng điều tra dân số 1979, 1989, 1999 tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 trở lên) đã tăng tương ứng từ 7,1% đến 7,25% và 8,2% trong tổng dân số, gần đến ngưỡng cửa già hóa dân số mà quốc tế quy định.
Hiện nay, phần lớn người cao tuổi ở nước ta đều sống cùng với con cháu. Vì vậy, cộng đồng và gia đình cần có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc người cao tuổi. Đảm bảo cho người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Cần chăm sóc bình thường, hàng ngày và càng cần lưu ý hơn khi bị ốm đau.Sức khỏe người cao tuổi là một trong những vấn đề then chốt có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình. Gia đình có người cao tuổi khỏe mạnh, vui vẻ, gần gũi với con cháu là thể hiện nề nếp, gia phong, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.Đồng thời, gia đình tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia tích cực vào quá trình phát triển xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi được học tập, lao động, vui chơi giải trí, và truyền những kiến thức văn hóa, khoa học, công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Động viên người cao tuổi tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa dân số, người già ở các nước đang phát triển phải đối mặt với những khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Các loại bệnh tật phổ biến, bệnh hiểm nghèo, bệnh mới và việc di dân cũng như xu hướng đô thị hóa đã tác động tiêu cực đến đời sống của người già.
Người già cũng là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, do những thay đổi về tâm sinh lý, sức khỏe, vị thế trong xã hội và gia đình, thu nhập trong khi họ phải gánh vác thêm nhiều trọng trách ở ngoài xã hội và trong gia đình. Vì thế cần phát huy hơn nữa vai trò của gia đình để người cao tuổi được chăm sóc chu đáo về cả vật chất và tinh thần.
Tạo điều kiện gia đình là một pháo đài phòng, chống bạo lực gia đình, nền tảng xây dựng gia đình văn hoá và thực hiện hàng loạt các hoạt động, phong trào do các cấp, các ngành đề ra. Trong gia đình, người chồng luôn giữ vai trò là trụ cột, người vợ phải thật sự là mái ấm, ông bà sẽ là mái che tinh thần, con cháu là điểm tựa hạnh phúc, tất cả các thành viên cùng sống nương tựa, chăm sóc lẫn nhau, gia đình là một pháo đài để phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, cũng như các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Một khi các thành viên trong gia đình và cộng đồng hiểu được tác hại, nguyên nhân của bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình dưới mọi hình thức, tất cả mọi người trở thành một mạng lưới bao vây phòng, chống kẻ gây ra bạo lực gia đình, trong đó đòi hỏi sự hoạt động tích cực câu lạc bộ các đoàn thể, sinh hoạt thường kỳ tổ nhân dân dân tự quản, xây dựng phát huy các tụ điểm gia đình văn hoá, các nhóm sở thích, hằng loạt các chương trình, hoạt động hướng về nông thôn nhằm thực hiện cho kỳ được đề án xã văn hoá với xã nông thôn mới.
Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi có ý nghĩa rất sâu sắc nhằm nhớ công ơn người đi trước, tạo niềm vui an ủi trong lúc ốm đau, niềm hạnh phúc gần bên con cháu và đóng góp phần nào cho xã hội trước khi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn. Một việc làm rất có đạo lý của con cháu trong các gia đình và là một trong các hoạt động ấm nghĩa tình của hội người cao tuổi, của ban vận động, của những người làm công tác y tế, nhân viên sức khỏe cộng đồng và của các thành viên trong Ban chỉ đạo, ban vận động “ TDĐKXDĐSVH” các cấp.
Hy vọng rằng những suy nghĩ nêu trên rất mong được lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm và tạo điều kiện để thực hiện để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần và vật chất cho người cao tuổi cũng nhằm thể hiện truyền thống đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.
Đàm Ngọc Hùng
Phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và Gia đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét